Cùng với việc Luật Quản lý thuế được sửa đổi (Luật số 56/2024/QH15), Luật Thuế GTGT 2024 có hiệu lực, và gần đây là Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ, việc kê khai bổ sung thuế GTGT đầu vào không còn đơn giản là “sai thì sửa”.
Luật hiện hành đã quy định rất rõ: sai sót nào cũng cần phân loại trước khi điều chỉnh. Có những trường hợp chỉ cần khai vào kỳ hiện tại, nhưng cũng có những sai sót buộc phải quay lại kỳ gốc để điều chỉnh và nộp thuế bổ sung kèm tiền chậm nộp.
Quy định mới yêu cầu phân biệt rõ bản chất sai sót. Nếu việc khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp hoặc làm giảm số thuế đã hoàn thì bắt buộc phải khai vào kỳ phát sinh. Nếu chỉ làm thay đổi số thuế được khấu trừ mà không làm phát sinh nghĩa vụ nộp ngân sách thì được khai vào kỳ phát hiện – tức kỳ hiện tại.
Chốt lại: chỉ cần sai sót làm tăng nghĩa vụ thuế (ví dụ như loại bỏ một hóa đơn không hợp lệ từng kê khai, hoặc bị điều chỉnh giảm đầu vào nhưng đã dùng hết để khấu trừ), thì doanh nghiệp phải lập tờ khai bổ sung quay về kỳ gốc. Không được xử lý gọn ở kỳ hiện tại như nhiều Kế toán đang hiểu.
Một số ví dụ để thấy rõ hơn:
– Trường hợp Công ty A mua hàng hóa có thuế GTGT 10 triệu nhưng kế toán quên kê khai. Đến kỳ sau mới phát hiện ra, thì có thể kê khai bổ sung ngay tại kỳ hiện tại. Vì đây là trường hợp làm tăng số thuế được khấu trừ, không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp.
– Nhưng nếu Công ty B đã từng kê khai một hóa đơn từ doanh nghiệp bỏ trốn, và đến 3 tháng sau mới phát hiện sai sót, thì bắt buộc phải khai bổ sung quay về kỳ đã kê khai sai và nộp lại phần thuế GTGT không đủ điều kiện khấu trừ, kèm theo tiền chậm nộp. Không được sửa ở kỳ hiện tại.
– Một tình huống rất dễ nhầm là khi bên mua nhận hóa đơn điều chỉnh chiết khấu sau bán hàng. Nếu hóa đơn này làm giảm thuế GTGT đầu vào đã kê khai, mà kỳ gốc đã dùng toàn bộ phần thuế đầu vào đó để khấu trừ, thì điều chỉnh này làm phát sinh thuế phải nộp kỳ gốc. Khi đó, phải khai bổ sung vào kỳ gốc, chứ không thể đơn giản kê vào kỳ hiện tại như Nghị định 70 đang hướng dẫn.
Vấn đề là ở đây: Nghị định 70 lại quy định rằng bên mua kê khai hóa đơn điều chỉnh vào kỳ nhận hóa đơn. Quy định này nghe thì hợp lý, nhưng lại "không chặt". Bởi lẽ, không phải lúc nào điều chỉnh cũng không làm phát sinh thuế phải nộp ở kỳ trước. Khi luật cấp cao hơn yêu cầu “nếu làm tăng nghĩa vụ thuế thì phải khai lại kỳ gốc”, thì việc áp dụng Nghị định một cách máy móc sẽ dẫn đến sai sót.
Thông điệp tôi muốn nhấn mạnh, Kê khai bổ sung không chỉ là sửa tờ khai – mà là nhìn lại cả dòng nghĩa vụ thuế. Đừng để một hóa đơn chiết khấu nhỏ làm ra một đống rắc rối sau này. Hãy luôn xác định lại:
– Việc điều chỉnh này có làm phát sinh nghĩa vụ thuế ở kỳ gốc không?
– Nếu có → phải quay về kỳ gốc.
– Nếu không → mới được khai ở kỳ hiện tại.
Cuối cùng, đừng quên: tất cả việc khai bổ sung phải hoàn tất trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra. Nếu khai bổ sung sau đó thì sẽ không còn giá trị giảm nhẹ và sẽ bị xử phạt nghiêm khắc hơn.
Mr Wick Kiểm toán - Đào tạo Kế toán chuyên nghiệp
ATC Academy | Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu
Khóa đào tạo cho Kế toán đáp ứng vị trị KTTH, KTT | W1. Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Bấm vào dòng chữ này để đăng ký nhân tư vấn để học W1| Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
ATC Academy | Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu
Khóa đào tạo cho Kế toán đáp ứng vị trị KTTH, KTT | W1. Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Bấm vào dòng chữ này để đăng ký nhân tư vấn để học W1| Tư duy Kế toán 30 chạm 30.