Nhiều người thường nghĩ hễ cứ thu tiền hay chi tiền là phải có hóa đơn, nhưng trên thực tế, hóa đơn – đặc biệt là hóa đơn giá trị gia tăng – chỉ được sử dụng khi có phát sinh hoạt động cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ. Bản chất của hóa đơn là để ghi nhận một giao dịch kinh doanh – nơi mà người bán chuyển giao giá trị (qua hàng hóa, dịch vụ) cho người mua, từ đó phát sinh nghĩa vụ nộp thuế (nếu có). Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp chỉ thu tiền mà không hề cung cấp hàng hóa hay dịch vụ gì, thì không có căn cứ để xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Ví dụ dễ thấy nhất là các khoản thu tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại, hay phạt chậm thanh toán – đây là các khoản mang tính chất phạt vi phạm dân sự, không phải là doanh thu từ hoạt động kinh doanh, nên không lập hóa đơn GTGT. Doanh nghiệp chỉ cần lập phiếu thu và ghi nhận theo đúng bản chất kế toán là được.
Ngược lại, khi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ – dù thu tiền trước hay sau – thì đều phải xuất hóa đơn. Ví dụ: bán máy tính, làm dịch vụ quảng cáo, hay cho thuê văn phòng. Ngay cả khi thu tiền trước khi giao hàng, thì vẫn phải xuất hóa đơn ngay tại thời điểm thu tiền. Đây chính là nguyên tắc "phát sinh cung ứng – xuất hóa đơn", chứ không phải "phát sinh tiền – xuất hóa đơn".
Thêm một ví dụ nữa: chi tiền lương cho người lao động, đây là chi phí hợp pháp nhưng không phải là giao dịch mua bán, nên không có hóa đơn, mà chỉ cần bảng lương, phiếu chi và chứng từ chuyển khoản (nếu có). Tương tự, chi tiền từ thiện, ủng hộ, hoặc thu lại khoản tạm ứng cũng không liên quan gì đến hóa đơn giá trị gia tăng.
Mối liên hệ giữa hóa đơn – thuế GTGT – dòng tiền chỉ hình thành khi doanh nghiệp thực sự phát sinh việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ có đối tượng chịu thuế. Đây là điểm mấu chốt để hiểu đúng và tránh nhầm lẫn – không phải cứ có dòng tiền là có hóa đơn, mà phải có giao dịch kinh doanh thì mới là lúc hóa đơn phát huy vai trò của mình.
Nhiều người thường hiểu nhầm rằng mọi khoản chi từ 5 triệu đồng trở lên đều phải thanh toán không dùng tiền mặt mới được tính là chi phí hợp lý, kể cả tiền lương. Nhưng thực tế không phải vậy. Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt chỉ áp dụng đối với các khoản chi có hóa đơn giá trị gia tăng – tức là chi cho việc mua hàng hóa, dịch vụ từ bên ngoài, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn tiền lương trả cho người lao động không phải là một giao dịch mua bán hàng hóa hay dịch vụ, mà là nghĩa vụ trả thu nhập theo hợp đồng lao động. Do đó, không có hóa đơn, cũng không có thuế GTGT phát sinh, nên không thể áp dụng quy định bắt buộc phải chuyển khoản như các khoản có hóa đơn. Tóm lại, không thể áp dụng quy định của Luật Thuế GTGT để yêu cầu tiền lương phải thanh toán không dùng tiền mặt, bởi vì tiền lương không phải là đối tượng của thuế GTGT, và cũng không có hóa đơn giá trị gia tăng đi kèm. Điều quan trọng ở đây là phải hiểu đúng bản chất: chỉ khi nào có hóa đơn và liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thì mới cần xét đến yếu tố thanh toán không dùng tiền mặt để được tính vào chi phí hợp lý.
Mr Wick Kiểm toán - Đào tạo Kế toán chuyên nghiệp
ATC Academy | Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu
Khóa đào tạo cho Kế toán đáp ứng vị trị KTTH, KTT | W1. Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Bấm vào dòng chữ này để đăng ký nhân tư vấn để học W1| Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Website: https://taichinhketoanedu.com
Facebook: https://www.facebook.com/mrwickkiemtoan
Youtube: https://www.youtube.com/@mrwickkiemtoan
Tiktok: https://www.tiktok.com/@mrwickkiemtoan
Group: https://www.fb.com/groups/diendanthue.new