Nghị định 181/2025/NĐ-CP – hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT 2024 – đã có bước đi rõ ràng và chặt chẽ hơn so với quy định cũ tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số góc nhìn cá nhân về những điểm mới đáng chú ý mà Kế toán và doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm.
Quy định mới Nghị định 181/2025/NĐ-CP hướng dẫn về Luật Thuế giá trị gia tăng 2024: Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ 05 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng.
Quy định cũ tại điểm c khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC: c) Đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hoá, dịch vụ bằng văn bản, hoá đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).
Thứ nhất, ngưỡng áp dụng đã giảm từ 20 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng. Một thay đổi rất rõ và có tác động tức thì đến hoạt động chi tiêu của doanh nghiệp: ngưỡng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt đã được thay thế bằng mốc từ 5 triệu đồng trở lên.
Quy định cũ: Các khoản chi dưới 20 triệu đồng có thể thanh toán tiền mặt mà vẫn được khấu trừ thuế GTGT và ghi nhận chi phí tính thuế TNDN.
Quy định mới: Mọi khoản chi từ 5 triệu đồng trở lên nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào => Đây là một bước siết mạnh. Rất nhiều khoản chi trước đây được phép thanh toán tiền mặt, nay đã rơi vào diện bắt buộc phải chuyển khoản hoặc dùng phương thức phi tiền mặt để hợp lệ về thuế.
Thứ hai, làm rõ ràng hơn nguyên tắc khấu trừ – ràng buộc thời điểm thanh toán theo hợp đồng
Tôi đánh giá rất cao điểm thay đổi này trong Nghị định 181/2025/NĐ-CP, vì nó tháo gỡ một điểm nghẽn đã gây tranh cãi trong ngành Kế toán – Thuế suốt nhiều năm qua.
Quy định cũ sử dụng cụm từ “khi thanh toán”, gây hiểu lầm rằng nếu doanh nghiệp trả tiền mặt trước cả thời điểm đến hạn hợp đồng, thì cũng sẽ bị loại thuế đầu vào do không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Quy định mới đã thay đổi rõ ràng hơn: chỉ khi đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì mới bị buộc phải điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ. Điểm mới này tạo ra sự minh bạch và hợp lý hơn trong vận hành. Bởi lẽ, theo nguyên tắc thương mại, nghĩa vụ thanh toán của bên mua chỉ phát sinh khi đến hạn theo hợp đồng. Doanh nghiệp không thể bị buộc phải có chứng từ thanh toán sớm hơn thời điểm đó => Sự điều chỉnh về mặt ngôn từ nhưng có giá trị lớn về logic pháp lý. Đây là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp an tâm hơn trong giai đoạn chờ thanh toán, không còn bị loại thuế chỉ vì chưa tới kỳ trả tiền.
Tuy nhiên, nếu đến hạn thanh toán theo hợp đồng mà không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, thì doanh nghiệp phải kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ, ngay tại kỳ tính thuế phát sinh nghĩa vụ thanh toán => Cơ quan thuế sẽ nhìn vào thời điểm đến hạn của hợp đồng, chứ không phải khi nào doanh nghiệp thực tế trả tiền, để đánh giá tính hợp lệ của việc khấu trừ.
Thứ ba, liệu có được điều chỉnh khấu trừ lại nếu sau này có chứng từ? Đây là vấn đề nhiều Kế toán và doanh nghiệp quan tâm, và cũng là một câu hỏi tôi thường nhận được trong các buổi đào tạo. Theo quan điểm cá nhân của tôi, dựa trên thực tiễn áp dụng Luật Quản lý thuế 2019 và các nguyên tắc về quyền khai bổ sung, thì: Nếu doanh nghiệp đã kê khai điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào do chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đúng hạn, thì khi bổ sung được chứng từ hợp lệ, doanh nghiệp có thể lập tờ khai bổ sung để khấu trừ lại số thuế GTGT đầu vào đã bị điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc này phải thực hiện đúng trình tự khai bổ sung, đảm bảo: Chứng từ thanh toán phù hợp với nội dung và thời điểm theo hợp đồng; Hồ sơ bổ sung nằm trong thời hiệu cho phép kê khai điều chỉnh (thường là 5 năm kể từ ngày nộp tờ khai gốc).
Toàn bộ nội dung trong bài viết này là quan điểm nhận định cá nhân dựa trên việc đọc và phân tích các văn bản pháp luật hiện hành, không phải là văn bản tư vấn pháp lý chính thức. Doanh nghiệp nên cân nhắc đối chiếu thêm với các công văn giải đáp của Tổng cục Thuế hoặc tham khảo thêm ý kiến chuyên môn trong các trường hợp đặc biệt.
ATC Academy | Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu
Khóa đào tạo cho Kế toán đáp ứng vị trị KTTH, KTT | W1. Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Bấm vào dòng chữ này để đăng ký nhân tư vấn để học W1| Tư duy Kế toán 30 chạm 30.