Kể từ ngày 01/6/2025, việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (MTT) chính thức bước sang giai đoạn áp dụng bắt buộc với nhiều nhóm doanh nghiệp. Trong số đó, nhóm doanh nghiệp có hoạt động bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng là nhóm chịu tác động trực tiếp và rộng khắp nhất. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh từ thực tế là: nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử, nhưng liệu có phải chuyển sang hình thức hóa đơn từ MTT không?
Câu trả lời phần nào được giải thích trong đoạn quy định quan trọng tại Điều 12, Nghị định 123/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP), trong đó đề cập đến tình huống khá đặc thù nhưng phổ biến:
“Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng [...] đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế nhưng chưa đảm bảo là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử [...] theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định.”
Thứ nhất, văn bản này chỉ áp dụng với nhóm doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, tức là không bán lại, mà phục vụ cho tiêu dùng cuối cùng. Đây là nhóm được nêu tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP – bao gồm nhiều lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, sửa chữa, giải trí...
Thứ hai, quy định không xét theo việc doanh nghiệp đang sử dụng loại hóa đơn nào (có mã hay không mã), mà xét theo tiêu chí “có đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật hay không”. Cụ thể, hóa đơn điện tử doanh nghiệp đang dùng phải đảm bảo:
- Có mã của cơ quan thuế;
- Có đầy đủ các thông tin tối thiểu, như: tên, địa chỉ, mã số thuế người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số điện thoại người mua (nếu có yêu cầu); thông tin chi tiết về hàng hóa – dịch vụ, đơn giá, thuế suất, thời điểm lập hóa đơn, v.v.;
- Và quan trọng nhất: phải theo đúng định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123.
Nếu một trong các yếu tố trên không đáp ứng, dù doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, thì cũng không đạt chuẩn, và như quy định đã nêu, phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Điểm đáng chú ý ở đây là văn bản không trao quyền lựa chọn, cũng không dùng từ ngữ "khuyến khích" hay "được lựa chọn". Câu chữ rất rõ: "thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định". Điều đó có nghĩa, đây là nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc không đáp ứng chuẩn kỹ thuật về hóa đơn điện tử, chứ không phải một lựa chọn linh hoạt.
Và do cơ quan thuế là nơi tiếp nhận và kiểm soát dữ liệu hóa đơn, nên việc đánh giá một hóa đơn có đạt “chuẩn” hay không không do doanh nghiệp tự quyết, mà sẽ được cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu qua hệ thống.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống hóa đơn đang sử dụng, đối chiếu với yêu cầu kỹ thuật nêu tại Điều 12 của Nghị định 123 (sửa đổi), và nếu có vướng mắc, cần trao đổi trực tiếp với cơ quan thuế quản lý để có hướng dẫn kịp thời. Sự chậm trễ hoặc áp dụng sai loại hóa đơn hoàn toàn có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn – không chỉ về xử phạt hành chính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh hằng ngày.
À, đoạn văn trên vẫn còn một trường hợp chưa rõ như ban ngày đó là, nếu trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã và đủ điều kiện thì sao. Đang bỏ ngỏ...
Khóa đào tạo cho Kế toán đáp ứng vị trị KTTH, KTT | W1. Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Bấm vào dòng chữ này để đăng ký nhân tư vấn để học W1| Tư duy Kế toán 30 chạm 30.
Mr Wick Kiểm toán - Đào tạo Kế toán chuyên nghiệp
ATC Academy | Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu
Hãy ấn like, subcribe các kênh của Mr Wick Kiểm toán để theo dõi và cập nhật các thông tin, kiến thức Kế toán và Thuế mới nhất!
Website: https://taichinhketoanedu.com
Facebook: https://www.facebook.com/mrwickkiemtoan
Youtube: https://www.youtube.com/@mrwickkiemtoan
Tiktok: https://www.tiktok.com/@mrwickkiemtoan
Group: https://www.fb.com/groups/diendanthue.new