Một trong những hiểu lầm phổ biến của nhiều bạn kế toán, đặc biệt là người mới làm quyết toán thuế, là nghĩ rằng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ cần lấy doanh thu trừ chi phí trên phần mềm, sau đó nhân với thuế suất là ra số thuế phải nộp. Tuy nhiên, cách hiểu này không đúng với bản chất của thuế. Số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp thực sự phải nộp là số ghi trên tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải số “ước tính” hiển thị trên phần mềm kế toán. Dưới đây là 7 điểm cốt lõi, tôi sẽ thông kê giúp bạn hiểu đúng và làm đúng:
1. Kế toán là một chuyện, thuế là chuyện khác
Phần mềm kế toán được lập trình để phản ánh nghiệp vụ kinh tế theo chuẩn mực kế toán. Nó ghi nhận đầy đủ doanh thu và chi phí phát sinh, từ đó cho ra lợi nhuận kế toán trước thuế. Nhưng kế toán không quyết định số thuế phải nộp. Thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo luật thuế, mà luật thuế lại có tiêu chí riêng để xét tính hợp lệ của từng khoản chi phí. Vì vậy, dù bạn thấy phần mềm báo lãi bao nhiêu, cũng không thể lấy số đó nhân với 20% và xem đó là số thuế TNDN phải nộp.
2. Không phải chi phí nào cũng được thuế chấp nhận
Rất nhiều khoản chi phí được ghi nhận trong kế toán lại không được luật thuế cho phép trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Chẳng hạn như các khoản chi tiếp khách không hóa đơn, lương nhân viên không có hợp đồng lao động, chi phí khấu hao vượt khống chế đối với tài sản có giá trị lớn, hay các khoản tiền phạt vi phạm hành chính. Tất cả những khoản này đều bị loại ra khi lập tờ khai quyết toán thuế. Đồng thời, cũng có một số khoản thu nhập mà kế toán ghi nhận, nhưng theo luật thuế lại được miễn. Đây chính là lý do khiến cho lợi nhuận kế toán và thu nhập tính thuế là hai con số hoàn toàn khác nhau.
3. Tờ khai quyết toán mới là căn cứ chính thức để tính thuế
Việc xác định số thuế TNDN phải nộp luôn bắt đầu từ lợi nhuận kế toán, nhưng không dừng lại ở đó. Kế toán cần lập tờ khai quyết toán thuế theo mẫu 03/TNDN. Trong tờ khai này, bạn sẽ thực hiện các điều chỉnh tăng hoặc giảm thu nhập và chi phí theo quy định của pháp luật thuế. Các điều chỉnh đó được trình bày cụ thể ở phụ lục 03-2A/TNDN. Sau khi điều chỉnh xong, bạn mới tính ra được thu nhập chịu thuế và áp dụng thuế suất tương ứng (thường là 20%). Con số cuối cùng trên tờ khai mới là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp nộp thuế – không phải số liệu nào khác.
4. Kỳ vọng phần mềm cho ra số đúng là hoàn toàn sai
Nhiều người, kể cả quản lý doanh nghiệp hay chính kế toán, thường kỳ vọng rằng phần mềm kế toán sẽ cho ra luôn con số thuế TNDN chính xác. Nhưng điều này là không thực tế. Phần mềm không thể tự động loại chi phí không hợp lệ theo luật thuế nếu bạn không chỉ rõ. Phần mềm cũng không thể hiểu rằng một khoản thu nhập nào đó được miễn thuế theo nghị định. Tất cả những điều chỉnh này đòi hỏi tư duy và thao tác của kế toán thuế. Do vậy, việc lấy lãi kế toán trên phần mềm nhân với thuế suất rồi kỳ vọng con số đó đúng với tờ khai là một kỳ vọng lệch – và có thể dẫn tới sai sót nghiêm trọng nếu không kiểm tra lại.
5. Sau khi có số thuế trên tờ khai, phải cập nhật ngược lại vào phần mềm
Nhiều kế toán sau khi lập xong tờ khai quyết toán thuế lại quên mất một bước rất quan trọng: đưa số thuế đã xác định về lại phần mềm để hạch toán. Việc này được thực hiện bằng cách ghi nhận chi phí thuế TNDN hiện hành vào tài khoản 8211. Như vậy, báo cáo tài chính mới thể hiện đúng chi phí thuế phát sinh thực tế trong kỳ. Nếu không thực hiện bước này, báo cáo tài chính sẽ không khớp với số liệu trên tờ khai, và doanh nghiệp sẽ có rủi ro về mặt minh bạch số liệu, đặc biệt khi kiểm toán hoặc thanh tra thuế.
6. Sự chênh lệch có thể phát sinh thuế hoãn lại
Trong một số tình huống, sự khác biệt giữa kế toán và thuế không chỉ ảnh hưởng đến kỳ hiện tại, mà còn kéo dài qua các kỳ sau. Đây gọi là chênh lệch tạm thời – ví dụ như chi phí kế toán ghi nhận trong năm nay nhưng thuế lại chỉ cho trừ vào năm sau. Những khoản chênh như vậy tạo ra thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, cần được ghi nhận vào tài khoản 347 hoặc 243. Việc phản ánh thuế hoãn lại giúp báo cáo tài chính thể hiện đúng bản chất nghĩa vụ thuế trong dài hạn. Với doanh nghiệp có quy mô lớn, hoặc áp dụng chuẩn mực quốc tế, thì đây là phần bắt buộc.
7. Kế toán và thuế là hai bước công việc tách biệt nhưng liên kết chặt chẽ
Bạn cần ghi nhớ rằng làm kế toán không đồng nghĩa với đã làm xong thuế. Kế toán phản ánh hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực kế toán. Còn thuế phản ánh nghĩa vụ với Nhà nước theo luật thuế. Để làm đúng, bạn phải thực hiện cả hai công đoạn một cách đầy đủ: hạch toán kế toán chuẩn xác, rồi lập tờ khai thuế dựa trên nguyên tắc điều chỉnh lại các khoản chênh lệch. Và cuối cùng là cập nhật ngược lại vào phần mềm kế toán. Đây là một vòng tròn khép kín – nếu thiếu một mắt xích, bạn sẽ không có được một báo cáo thuế – kế toán đầy đủ và đáng tin cậy.
Tư duy toàn diện dành cho Kế toán đáp ứng vị trị KTTH, KTT - W1 Tư duy Kế toán 30 chạm 30: https://taichinhketoanedu.com/w1-p31.html
Tham gia DIỄN ĐÀN THUẾ: https://www.fb.com/groups/diendanthue.new
Mr Wick Kiểm toán - Đào tạo Kế toán chuyên nghiệp
ATC Academy | Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Á Châu
Today's studying plants the seeds for future's success. Make each day a little better than before
Mobile/Zalo: 0353969622