(TBTCO) - Trước thông tin một số ngành nghề như cắt tóc, gội đầu, giặt là, massage… phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế vừa có phản hồi chính thức về vấn đề này và cho biết, quy định này đã được áp dụng ổn định từ năm 2015, chứ không phải quy định mới.
Chính sách thuế đã được thực hiện ổn định từ năm 2015
Thời gian vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đề cập một số nội dung liên quan đến nội dung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Theo các thông tin được đăng tải về Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, từ 1/8/2021, các loại hình phải chịu mức thuế GTGT 5% và thuế thuế TNCN 2% bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ bưu chính, dịch vụ môi giới, dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan...
Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại điểm 2, Phụ lục 01 về danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, thì mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2% áp dụng đối với hộ và cá nhân kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, internet, may đo, giặt là, cắt tóc...
Danh mục này đã được áp dụng ổn định từ năm 2015. Đến nay, theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC không có sửa đổi nội dung này.
Các hộ kinh doanh trong lĩnh vực này nếu đã được cơ quan thuế thông báo mức thuế khoán từ đầu năm, nếu trong năm có ngừng, tạm ngừng hoặc bị ảnh hưởng sụt giảm doanh thu do dịch bệnh thì cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán theo thực tế.
Cũng theo phản hồi của Tổng cục Thuế, tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã có hướng dẫn cụ thể về việc cơ quan thuế có trách nhiệm điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán trong trường hợp hộ khoán ngừng, hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nhiều thủ tục hành chính như quy định trước đây tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Cụ thể tại điểm b.5 khoản 4 Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau: “Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh”.
Doanh thu cho thuê nhà dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế
Đối với nội dung về doanh thu cho thuê nhà dưới 100 triệu đồng/năm vẫn phải nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 40/2021/TT-BTC thì: “Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản”.
Theo hướng dẫn này thì các trường hợp có doanh thu cho thuê tài sản đủ 12 tháng trong dương lịch từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế, trường hợp hợp đồng cho thuê có thời gian vắt năm, thời gian cho thuê tính theo năm dương lịch không trọn năm, thì doanh thu để xác định đối tượng không phải nộp thuế vẫn là doanh thu tính thuế của một năm dương lịch (đủ 12 tháng) nhưng doanh thu để xác định số thuế phải nộp trong năm chỉ là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.
Tổng cục Thuế cho biết, đây là hướng dẫn mới nhằm làm rõ cách tính thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, đảm bảo công bằng, xử lý các vấn đề vướng mắc do chưa có hướng dẫn rõ trong thời gian trước đây.
Đặc biệt là các trường hợp hợp đồng cho thuê có thời gian vắt năm, thời gian cho thuê không trọn năm dương lịch, thì cách xác định đối tượng không phải nộp thuế phải công bằng như những trường hợp phát sinh cho thuê tài sản đủ 12 tháng trong năm dương lịch và phải công bằng đối với các hộ kinh doanh khác từ trước đến nay vẫn đang xác định đối tượng không phải nộp thuế theo doanh thu của 12 tháng kể cả trường hợp kinh doanh không trọn năm như hộ mới ra kinh doanh, hộ kinh doanh thường xuyên theo thời vụ (kinh doanh một số tháng cố định trong năm).
Ngoài ra, trong trường hợp cá nhân vừa có cho thuê tài sản vừa có hoạt động kinh doanh khác, theo quy định thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định đối tượng không phải nộp thuế là tổng doanh thu kinh doanh bao gồm cả hoạt động kinh doanh khác, do đó, cần phải có nguyên tắc thống nhất giữa các hoạt động kinh doanh./.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
Link gốc: Dịch vụ cắt tóc, gội đầu... phải nộp thuế không phải là quy định mới | Thời Báo Tài Chính (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Trending
- W1.04 - Tư duy toàn diện Kế toán hướng đến lương vượt 25tr/tháng
- Cẩm nang Thuế Việt Nam 2024
- Thư xác nhận công nợ File Excel tự động Mr Wick Kiểm toán
- Hệ thống Zalo Kế toán, HR
- Cách phân loại trò chuyện trên Zalo giúp bạn nhắn tin được dễ dàng hơn
- Hỗ trợ tìm việc (tuyển dụng) cho học viên, Công ty học viên W1 (MIỄN PHÍ)
- TOP 11 trang web hỗ trợ tạo CV xin việc miễn phí, đẹp, tốt nhất
- Tổng cục Thuế tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến về Hóa đơn điện tử