Đăng video xấu, độc hại lên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng
Việc chia sẻ, đăng tải các nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Theo quy định trên, hành vi đăng tải video nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin.
Đến nay, đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính do đăng tải nội dung xấu lên mạng Internet. Đồng thời, theo yêu cầu của trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.
Ngoài quy định về xử phạt hành chính, trường hợp nội dung video được đăng tải có tính chất làm nhục người khác và đã bị phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, mức phạt với hành vi dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để làm nhục người khác là phạt tù từ 03 tháng - 02 năm. Nặng hơn, nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát, người phạm tội có thể sẽ bị phạt tù từ 02 - 05 năm.